mardi 6 mars 2007

Toi a'c cua csvn d/v dong bao thieu so tay nguyen va Tin lanh

Lược Duyệt Hồ Sơ Tội Ác Của Cộng Sản VN Đối Với Đồng Bào Thiểu Số Tây Nguyên và Tin Lành
LÊ ĐOÀN VIỆT
Thứ Năm 22 tháng tư 2004



Kể từ khi chính quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) chiếm trọn miền Nam Việt Nam vào năm 1975, hơn 1 triệu người dân sắc tộc thiểu số đã bị dồn vào các "Khu Kinh Tế Mới" (KKTM) mà đa phần là tập trung vào vùng Cao Nguyên Trung Phần và những vùng sâu vùng xa, hiểm trở. Hơn thế, hàng trăm ngàn hộ gia đình người Kinh từ các miền kinh tế khác nhau cũng bị yêu cầu, bắt buộc di dân đến các KKTM để khai hoang, lập nghiệp lại từ đầu trong chính sách tái phân bố dân cư và quy hoạch theo nền kinh tế tập trung kiểu cộng sản cực đoan ngay sau năm 1975. Ngoài hậu quả tai hại của chính sách dồn dân vào các KKTM này đối với người dân miền xuôi nói riêng, người dân các sắc tộc thiểu số như người Thượng (Montagnards) chẳng hạn, nhất là khu vực Tây Nguyên đã bị tác động nặng nề do chính quyền và thành phần người Kinh di dân vào các KKTM gây nên từ sự xâm chiếm đất đai, lấn dân giành đất, phá hoại môi trường và phong tục tập quán truyền thống của người dân thiểu số. Chưa hết, chính sách đàn áp các quyền tự do tôn giáo một cách "có hệ thống" của chính quyền CSVN, từ trung ương đến địa phương, đã đè nặng áp lực tâm lý lên hàng ngàn gia đình người Thượng Tây Nguyên theo Cơ Đốc giáo tại đây. Nỗi bất công và những căm hờn chất chứa trong lòng những người dân thiểu số Tây Nguyên đã âm ỉ lâu nay và chỉ chực chờ đến ngày "bùng nổ". Và ngày đó đã đến... vào tháng 2 năm 2001 khi nhiều cuộc biểu tình của đồng bào Tây Nguyên đã xảy ra với mức độ to lớn nhất kể từ sau năm 1975. Hàng ngàn người thuộc nhiều sắc dân thiểu số khác nhau từ vùng Cao Nguyên Trung Phần (thường được gọi chung với nhau là người Thượng) đã tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình ôn hòa để đòi quyền tự trị, trả lại ruộng đất của họ và quyền tự do tôn giáo.

Dưới đây là một loạt những tội ác điển hình trong khoảng trên dưới 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2003 vừa qua, do chính quyền CSVN gây ra từ những hành động vi phạm nhân quyền, trái pháp luật do chính CSVN ban hành như Bộ Luật Hình Sự của Nước CHXHCN Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2000 hoặc từng ký kết tôn trọng trước Liên Hiệp Quốc như Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (United Nations Universal Declaration of Human Rights, 1948), và Công Ước Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc Về Quyền Dân Sự và Chính Trị (United Nations International Covenant on Civil and Political Rights, 1966).

I. Các Tội Xâm Phạm Thân Thể và Cố Ý Gây Thương Tích Đối Với Phụ Nữ

Theo Tổ Chức Montagnard Foundation Inc. (MFI), hơn 1.000 phụ nữ sắc tộc Degar đã bị giới chức Việt Nam buộc phải trải qua phẩu thuật ngừa thai (surgically sterilized) từ năm 1995 đến 2002, và tình trạng đàn áp gia tăng tiếp tục đến năm 2003 khi quân đội CSVN chiếm cứ các làng mạc người Thượng. Nhiều phụ nữ người Thượng đã bị các viên chức chính quyền nhắm tới qua những buổi học tập bắt buộc để yêu cầu họ phải áp dụng phương pháp ngừa thai bằng phẩu thuật. Tổ Chức MFI cho rằng hành động vi phạm nhân quyền này là một phần trong kế hoạch thâm độc, kín đáo của CSVN để diệt chủng sắc dân Degar. Danh sách trên 1.000 phụ nữ này là do MFI lập nên và đã được chuyển cho các tổ chức nhân quyền quốc tế để theo dõi, trong đó có các trường hợp điển hình như sau :
Cô R'mah H'Ayat, sinh năm 1972, tại buôn Plei Thoh Ga, Xã Nhơn Hòa, Huyện Cu Se, Tỉnh Pleiku, đã bị bắt buộc phẩu thuật ngừa thai vào ngày 17/4/2000.
Cô H' Yot Eban và cô H Lam ở tỉnh Dak Lak đều bị bắt buộc phẩu thuật ngừa thai vào ngày 5/8/2001 do bác sĩ Võ Thị Huệ tiến hành.
Một phụ nữ tên Hyon đã làm nhân chứng và báo cáo rằng giới chức VN bắt buộc tất cả phụ nữ trong làng thuộc lứa tuổi sinh con phải qua phương pháp ngừa thai. Lần cuối cùng cô Hyon tham gia vào buổi học tập bắt buộc này là vào tháng 5/2000 trước khi trốn được khỏi VN để định cư tại Hoa Kỳ.
Cô Hbon làm nhân chứng cho rằng chị của mình đã bị bệnh chết vào năm 1997 vì bị bắt buộc ngừa thai và do những hậu quả từ các biến chứng phức tạp sau đó gây nên.

1. Đối với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 3 : Quyền được sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.

2. Đối với Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 7 : Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hay trừng phạt bằng cách hành hạ, làm nhục. Đặc biệt, quyền không bị bắt buộc (ngoài ý muốn) tham gia vào các cuộc thử nghiệm về y tế hay khoa học.

3. Chính quyền CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các tội hình sự cụ thể được ghi trong Bộ Luật Hình Sự của chính họ như :
Điều 93 : Tội giết người.
Điều 104 : Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
Điều 110 : Tội hành hạ người khác (trong đó có phụ nữ mang thai).

II. Các Tội Bắt Cóc, Giam, Giữ Người Dân


Ngày 18/8/2003, ở buôn Kram, huyện Krong Ana, tỉnh Daklak, Công An bắt cóc Y-Thiep Enuol, sinh năm 1985, và đưa về Buôn Ma Thuột. Gia đình không rõ tình trạng của em này ra sao vì không có sự thông báo từ chính quyền, công an.
Ngày 2/9/2003, cảnh sát VN bắt giam Y-Bem Nie, sinh năm 1972, bởi vì anh theo đạo Cơ Đốc và ủng hộ tổ chức MFI. Anh bị bắt vào lúc 12 giờ đêm tại làng Buon Sut Hluot, huyện Cu Mgar, tỉnh Dak Lak và hiện không ai biết về nơi anh đang bị giam giữ.
Ngày 3/9/2003, cảnh sát VN buộc tội Y-Khiem Nie sinh năm 1971, thuộc làng Buon Map, huyện Cu Mgar, tỉnh Dak lak, vì theo đạo Cơ Đốc và giúp đỡ những người Degar tỵ nạn trốn tránh cảnh sát trong khu vực. Y-Khiem Nie hiện trong tình trạng được coi là mất tích. Vào ngày 9/9/2003, cảnh sát VN bắt giam 4 người Cơ Đốc giáo tại làng Buon Hwing thuộc huyện Cu Mgar, tỉnh Dak Lak. 4 người này bị bắt cóc, giam giữ và mất tích vì chính quyền buộc tội theo Cơ Đốc giáo và tình nghi có giúp đỡ những người Degar lẫn trốn trong khu vực : 1. Y-Ki Nie, sinh năm 1976, 2. Y-Rieng Kboh, sinh năm 1968. 3. Y-Muh Rcam, sinh năm 1968. 4. Y-Bli Rcam, sinh năm 1978.

1. Đối với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 3 : Quyền được sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.
Điều 5 : Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hay bị trừng phạt bằng cách hành hạ, làm nhục.
Điều 9 : Quyền không bị bắt, giam giữ hay trục xuất một cách độc đoán, tùy tiện, vô chứng cứ.

2. Đối với Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 2 : Về trách nhiệm của mỗi quốc gia ký tên vào Công Ước phải tôn trọng và thực thi những biện pháp bảo vệ quyền dân sự và chính trị của người dân.
Điều 9 : Quyền tự do và an toàn cá nhân được bảo vệ trước pháp luật trong trường hợp bị bắt giam.
Điều 14, Mục 1 & 2 : Quyền của mỗi công dân được xét xử công bằng trước tòa án, được xem là vô tội cho đến khi chứng minh được là có tội.

3. Chính quyền CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các tội hình sự cụ thể được ghi trong Bộ Luật Hình Sự năm 2000 như :
Điều 123 : Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Điều 124 : Tội xâm phạm chỗ ở của người dân.
Điều 134 : Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.


III. Các Tội Cướp Bóc, Tịch Thu Tài Sản Tư Nhân, Đánh Đập, Tra Tấn, Khủng Bố Người Dân


Ngày 18/8/2003, chính quyền CSVN gởi Thiếu Tá công an Nguyễn Vĩnh Chính và khoảng 100 bộ đội từ tỉnh Dak Lak đến Buôn Yang Reh, huyện Krong Bong, để đàn áp các tín đồ Thiên Chúa giáo Thượng (sắc tộc Degar) ở trong vùng. Họ xông vào nhà của H'Duen Buondap và lục soát mọi nơi. Họ tịch thu các sách Kinh Thánh và các sách thánh ca tìm thấy ở trong nhà và chiếm luôn 150.000 đồng tiền VN.
Ngày 20/8/2003, Thiếu tá công an Nguyễn Văn Phúc, thuộc huyện Buon Đôn, tỉnh Dak Lak, bắt giữ và đánh đập nặng nề Y-Lum Buon Ya, sinh năm 1983, lúc 7 giờ sáng ở Buon Cour Knia, huyện Buon Đôn. Y-Lum bị công an buộc tội nuôi dưỡng một người tỵ nạn tên là Y-Kre Buon Ya đang lẫn trốn ở trong vùng. Khi mẹ của anh Y-Lum tìm đến thăm anh tại khám đường Buôn Ma Thuột thì nhìn thấy con mình mặt mày bị đánh sưng húp, không nhìn thấy mắt. Hiện nay bà cũng không biết chính quyền VN đã di chuyển Y-Lum Buon Ya đi đâu.
Ngày 21/8/2003, 30 bộ đội và 10 sĩ quan công an CSVN - biệt danh Tổ 113 - bao vây nhà của Y-Pho Eban, ở Buôn Cuoi để bắt và bỏ tù anh ta vì tình nghi anh ta nuôi dưỡng những người tị nạn đang lẫn trốn ở trong vùng. Lúc bấy giờ là nửa đêm, vợ và con của anh ta khóc la khiến cho dân làng phải thức giấc. Sau đó, bộ đội và công an bắt đầu đánh Y-Pho và gia đình của anh bằng súng AK-47 và roi điện. Tên của gia đình nạn nhân bị đánh đập và tra tấn bằng roi điện được liệt kê như sau : 1. Bà H'Luin Eban, sinh năm 1970, đang có thai, 2. Y-Chui buon Krong, sinh năm 1982, 3. Y-Kun Buondap, sinh năm 1992. Cùng lúc đó, dân trong làng đã phải thức giấc và kéo nhau đến tận hiện trường, đập phá chiếc xe của công an (biển số #47C2133). Do đó, bộ đội và công an đã đành rút lui khỏi làng đêm hôm đó. Nhưng sáng hôm sau (22/8/2003), chính quyền gởi đến 3 quân xa, chở đầy bộ đội và công an đến Buon cuoi để bắt tất cả dân làng ở trong làng đem đi. Cho đến nay vẫn chưa có được thêm tin tức nào về ngôi làng này.

Ngày 15/9/2003, vào lúc 10 giờ sáng, 2 chiếc xe Jeep chở cảnh sát VN từ huyện Mang Yang đến bắt giữ, đánh đập và tra tấn 8 tín đồ Cơ Đốc người Degar trong lúc diễn ra buổi lễ cầu nguyện tại nhà của ông Oai thuộc buôn Bong Mor, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. 8 nạn nhân này (theo danh sách ghi rõ của MFI) đã bị đánh đập trên đường đến nhà tù. Nạn nhân Oai cũng bị đánh đập, hành hạ nặng nề, có lúc bị bất tỉnh. Các nạn nhân khác đá, đấm, bị giựt bằng roi điện để tra tấn. Sau đó 2 ngày họ được thả ra (17/9/2003) nhưng những vết thương và vùng bị đánh đau vẫn còn, không đi đứng được để làm việc. (Theo Tổ Chức MFI)

1. Đối với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 3 : Quyền được sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.
Điều 5 : Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hay bị trừng phạt bằng cách hành hạ, làm nhục.
Điều 17 : Quyền làm chủ tài sản và không bị cướp đoạt tài sản.

2. Đối với Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 2 : Về trách nhiệm của mỗi quốc gia ký tên vào Công Ước phải tôn trọng và thực thi những biện pháp bảo vệ quyền dân sự và chính trị của người dân. Điều 7 : Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hay trừng phạt bằng cách hành hạ, làm nhục. Đặc biệt, quyền không bị bắt buộc (ngoài ý muốn) tham gia vào các cuộc thử nghiệm về y tế hay khoa học.

3. Chính quyền CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các tội hình sự cụ thể được ghi trong Bộ Luật Hình Sự năm 2000 như :
Điều 84 : Tội khủng bố.
Điều 103 : Tội đe dọa giết người.
Điều 104, Điều 106, 107 : Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác...
Điều 129 : Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Điều 133 : Tội cướp tài sản.
Điều 135 : Tội cưỡng đoạt tài sản.
Điều 136 : Tội cướp giật tài sản.
Điều 338 : Tội quấy nhiễu nhân dân.
Điều 342 : Tội chống loài người (Tội ác chống nhân loại).


IV. Các Tội Vu Khống, Đàn Áp Tôn Giáo, Tín Đồ, Mục Sư Tin Lành


Ngày 29/12/2003, Thẩm phán Võ Thanh Bửu Tịnh thuộc Tòa Án Nhân Dân quận 11 tại Sài Gòn đã ký quyết định đưa ra tòa xử Mục sư Bùi Văn Ba vào ngày 13/1/2004 với tội danh gọi vu khống là "Chống người thi hành công vụ" vì đã đả thương 2 công an thuộc phường 3 - quận 11 vào ngày 18/8/2003. Ủy Ban Pháp Luật/Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam đã phổ biến bản báo cáo tổng quát tường thuật mọi việc đã xảy ra ngày 18/8/2003 để phản đối những lời cáo buộc đầy vu khống được ghi trong bản cáo trạng nói trên.

Ngày 1/7/2000, chính quyền CSVN đã trắng trợn đàn áp tự do tôn giáo trong nước, cho Công an và cán bộ địa phương áp đão phá hủy, giật xập ngôi nhà thờ phượng Chúa của đồng bào Tin Lành tại đường Trần Não, phường Bình An, Quận 2 thuộc thành phố Sài Gòn. Trong nhiều năm qua, chính quyền đã tìm mọi cách ngăn cấm các sinh hoạt tôn giáo của các Hội Thánh Tin Lành. Các tín đồ thường xuyên bị bắt bớ, đánh đập và giam cầm vì không chịu bỏ đạo dưới áp lực của nhà cầm quyền. Nạn nhân bị truy bức nặng nề đậc biệt là các sắc dân thiểu số, nhưng gần đây cũng đã được báo động gia tăng ở khắp các tỉnh thành phố, như vụ khủng bố tín đồ ở Quảng Ngãi, các vụ phá xập nhà thờ Dak-La làng Thổ Sơn và ngôi giáo đường làng Đồng Tâm tại Sông Bé.... từ hồi cuối năm 1999. Riêng tại địa bàn Thủ Thiêm (trước năm 1998 thuộc huyện Thủ Đức, từ tháng 2/1998 được chia lại thuộc Quận 2 mới) Hội thánh Tin Lành tại đây đã thường xuyên bị gây khó dễ và chính quyền CSVN đã tìm mọi cách ngăn cấm tín đố Tin Lành nhóm họp thờ phượng chúa. Thánh Kinh và Thánh ca bị tịch thu, từng cá nhân trong Ban trị sự Hội Thánh như Ms Trương Văn Ngành, Tín đồ Lê Thy Lam, Trần Thế Thiện Phước... thường xuyên bị mời lên công an thẩm vấn với lý do nhóm họp đạo Tin Lành Thờ phượng trái phép. (Theo tài liệu của Mục sư Nguyễn Hồng Quang).

"...Liên tục trong suốt tháng 7/2002, công an xã Phú Lý vùng Kinh Tế Mới Trị An đã khủng bố, đàn áp, bắt giữ Mục sư Nguyễn Đặng Chí, không cho giảng đạo tại nhà nguyện Phú Lý. Lần đầu tiên, công an ra mặt ngăn cản không cho mục sư Chí giảng đạo và bắt giam mục sư giữa đêm khuya ngày 6/7/2002. Sau đó công an đành phải thả mục sư Chí ra sau 24 giờ giam giữ. Sự việc lại tái diễn vào một tuần sau đó hôm 14/7/2002 khi mục sư Chí không chịu từ bỏ công việc giảng đạo. Sáng Chúa nhật 21/7/2002, công an lại bắt mục sư Chí cùng hai anh em khác và ra lệnh giải tán nơi thờ phượng Chúa. Tín hữu Tin Lành một lần nữa lại kéo đến phòng công an xã để đòi thăm và tiếp tế cho mục sư đang bị nhốt trong xà liêm. Vào rạng sáng 28/7/02, hàng tá công an đã mai phục xung quanh Hội Thánh Phú Lý. Vừa lúc mục sư Chí đến trước ngõ nhà nguyện, khoảng vài chục công an bên ngoài và một số khác ngồi lẫn lộn với tín hữu ngay trong nhà nguyện cũng túa ra và áp tải mục sư Chí lên văn phòng công an xã Phú Lý. Công an muốn tịch thu cuộn phim và bức hình chụp mục sư Chí khi bị giam trong xà lim tuần trước (bức ảnh này đã được loan đi trên mạng thông tin toàn cầu). Sau đó mục sư Chí được thả vào lúc 13 giờ chiều cùng ngày, nhưng đến tối thì mục sư đã bị lên cơn tim. Cho đến nay, mục sư Chí đã bị bắt tất cả 4 lần và các tin thông báo nói rằng mục sư đã bị viên chức nhà nước mắng chửi, hăm dọa và làm nhục nhiều lần." (Theo tín đồ từ Đồng Nai). "...Mục sư Nguyễn Đặng Chí đã bị giữ giấy tùy thân, bị phạt tiền nhiều lần. Tháng 5 và tháng 6 năm 2002 chính quyền cấp xã Phú Lý, cấp huyện Trảng Bom, và cấp tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần hăm dọa, gởi giấy gọi mục sư Chí lên tra hỏi liên tục." (Theo tin của tờ Viễn Đông Kinh Tế FEER, 25/7/2002).

"...Ngày 18/8/2003, khoảng 25 mục sư, tín đồ thuộc Giáo Hội Phúc Âm Trọn Vẹn Việt Nam tụ tập cầu nguyện tại nhà Mục Sư Bùi Văn Ba ở số 161D/51 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, Sài Gòn. Vào lúc 9 giờ 30 sáng, cảnh sát khu vực Trần Văn Nhê cùng với lực lượng công an P3Q11 đến đòi lục soát nhà của ông Ba. Vợ ông Ba là bà Đổng thị Ngọc May ngăn cản, nói là ông Ba đi vắng nhưng công an bất chấp và dùng vũ lực hành hung khiến bà lên cơn đau tim. Sau đó lực lượng công an đã tràn lên lầu, vào nơi cầu nguyện hành hung các mục sư và tín đồ. Khi Mục sư Ba về nhà, thấy vợ trong tình trạng nguy kịch, ông cùng với Mục Sư Nguyễn Như Hạnh quyết tâm đưa bà May đi bệnh viện. Công an cương quyết ngăn cản và xảy ra cuộc ẩu đả. Những người bị đàn áp đã chống trả quyết liệt. Sau đó công an áp tải hai Mục Sư Ba và Mục Sư Hạnh về đồn công an tra tấn, ra lệnh tạm giam 3 ngày tại trại giam ở số 83 đường Tân Hóa, quận 11. Công an đã tách hai người ra riêng, giam ở phòng thuộc khu hình sự. Họ bắt hai ông cởi hết quần áo, chỉ còn quần lót và nằm trên sàn lạnh. Ngoài hai nạn nhân này, công an còn bắt 7 người khác đưa về đồn thẩm vấn đến 9giờ tối thì thả ra, kèm theo biên bản phạt hành chánh. Tối ngày 19/8/2003, vào lúc 11 giờ đêm, lệnh tạm giam được đổi thành quản thúc tại gia và hai mục sư bị áp tải về nhà..." (Theo báo cáo của Ủy Ban Pháp Luật/Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam).

Theo tin tức của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, trong những ngày cuối năm 2003, chính quyền CSVN đã lợi dụngthờigian diễn ra các cuộc tranh tài thể thao SEA Games để đàn áp các nhà truyền giáo đạo Tin Lành. Những nguồn tin này cho biết công an đã tông xe môtô vào xe của Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Phó hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam, sau khi Mục sư Quang có cuộc gặp với bà Jean Geran, nhân viên văn phòng nhân quyền và quyền lao động thuộc lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn. Công an cũng đã dùng roi điện đánh đập và dí súng vào đầu Thầy Truyền Đạo Phạm Ngọc Thạch, người đi chung với Mục sư Quang. Trong những ngày này, công an cũng bắt giữ ít nhất 16 mục sư và tín đồ Tin Lành ở Sài Gòn và Hà Nội. Những người không may bị bắt lúc đang phân phát lịch thi đấu Sea Games có in kèm lời giảng thánh kinh và những lời phát biểu của các vận động viên quốc tế đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Trong số những người bị bắt có 2 mục sư Trần Mai và Lê Quang Sơn. Hiện không rõ hai mục sư vừa nói đang bị giam giữ ở đâu.

Ngày 16/3/2004, một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ cho biết, theo lời khai của một nạn nhân thì người thiểu số sắc tộc Hmong theo đạo Cơ Đốc tại Việt Nam đã bị buộc phải chích thuốc gây đau nhức để thuyết phục họ từ bỏ tín ngưỡng. Theo tin của AFP, Trung Tâm Tự Do Tôn Giáo có cơ sở tại Hoa Kỳ cho biết tổ chức đã nhận được một bức thư đề ngày 30/1/2004 cho biết chi tiết về sự đau khổ của người Hmong theo đạo Cơ Đốc tại làng Na Ling ở tỉnh Lai Châu. Tác giả bức thư là Zong Xiong Hang, một người Hmong theo đạo Cơ Đốc bị buộc phải bỏ làng chạy trốn qua tỉnh Sơn La, mô tả việc bộ đội CSVN đã sử dụng thuốc tiêm gây đau nhức để buộc ông không tin vào chúa Giê-Su. Trong một thông cáo kèm theo bản dịch tiếng Anh bức thư của ông Zong, Giám đốc Trung Tâm Tự Do Tôn Giáo, bà Nina Shea nói rằng, việc chích thuốc gây đau nhức là một sự vi phạm thô bạo vào phẩm giá con người, và hình thức tra tấn này đã được một số chế độ xấu xa nhất sử dụng, như Đức quốc xã và liên bang Sô Viết.

1. Đối với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 12 : Quyền không bị xâm phạm đời tư, gia thất, hay vu khống, bôi nhọ.
Điều 18 : Quyền tự do tư tưởng và tôn giáo.
Điều 20 : Quyền tự do hội họp và tham gia hội đoàn.

2. Đối với Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị, CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các điều sau :
Điều 2 : Về trách nhiệm của mỗi quốc gia ký tên vào Công Ước phải tôn trọng và thực thi những biện pháp bảo vệ quyền dân sự và chính trị của người dân.
Điều 7 : Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hay trừng phạt bằng cách hành hạ, làm nhục. Đặc biệt, quyền không bị bắt buộc (ngoài ý muốn) tham gia vào các cuộc thử nghiệm về y tế hay khoa học.
Điều 9 : Quyền tự do và an toàn cá nhân được bảo vệ trước pháp luật trong trường hợp bị bắt giam.
Điều 17 : Quyền không bị xâm phạm đời tư, gia thất, hay vu khống, bôi nhọ.
Điều 18 : Quyền tự do tư tưởng và tôn giáo.
Điều 21 : Quyền tự do tụ tập ôn hòa trong một xã hội dân chủ.
Điều 22 : Quyền tự do liên đới, lập hội để tự bảo vệ quyền lợi.

3. Chính quyền CSVN đã vi phạm ít nhất là (nhưng không giới hạn ở) các tội hình sự cụ thể được ghi trong Bộ Luật Hình Sự năm 2000 như :
Điều 104, 106, 107 : Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác...
Điều 121 : Tội làm nhục người khác.
Điều 122 : Tội vu khống.
Điều 123 : Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Điều 124 : Tội xâm phạm chỗ ở của người dân.
Điều 129 : Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Điều 338 : Tội quấy nhiễu nhân dân.

Tạm Kết

Những cuộc biểu tình trong tháng 2/2001 của đồng bào thiểu số Tây Nguyên đã cho thấy những hậu quả nghiêm trọng từ nhiều nỗi bất công dồn nén trong lòng người dân thiểu số : tình trạng đàn áp tôn giáo, phân biệt sắc tộc, nghèo đói và thiếu sự chăm lo về giáo dục của nhà nước CSVN, nhưng có lẽ quan trọng hơn hết là cuộc tranh đấu đòi lại đất đai của người thiểu số đã bị cướp đoạt hoặc tranh giành. Chính quyền CSVN tiếp tục chính sách kiềm kẹp đồng bào thiểu số và ngăn chặn tất cả những tổ chức, quốc gia bên ngoài đến tìm hiểu và theo dõi tình hình. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), Ủy Hội Quốc Tế của Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo (US International Commission for Religious Freedom) và Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đều có những thông báo và lên tiếng về tình trạng đàn áp tôn giáo đối với đồng bào thiểu số tại Tây Nguyên. Những tài liệu thu thập được ở trên về tình trạng đàn áp đồng bào thiểu số và tín đồ Tin lành cũng chỉ là những ghi nhận tóm lược, với một số trường hợp điển hình cụ thể chứ không hoàn toàn đầy đủ và khoa học như mong muốn. Nhưng hy vọng rằng, tài liệu này sẽ giúp chúng ta có dịp tìm hiểu về thảm nạn và những nỗi khổ đau của đồng bào thiểu số và các tín đồ tôn giáo tại Việt Nam, đồng thời nhìn kỹ ra được những tội ác vi phạm nhân quyền mà chính quyền và Đảng CSVN đã và đang gây ra đối với người dân thiểu số và đồng bào ta nói chung trong nhiều thập niên qua !

Lê Đoàn Việt

Aucun commentaire: